VĂN HÓA - XÃ HỘI VĂN HÓA - XÃ HỘI

Kỷ niệm 70 năm Ngày giải phóng Thủ đô (10/10/1954 – 10/10/2024) - Cùng đất nước vững bước trên con đường đổi mới
Publish date 07/10/2024 | 14:44  | View Count: 52

Với những cố gắng, nỗ lực trong suốt 70 năm qua của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Thủ đô, Hà Nội xứng đáng là trung tâm chính trị - hành chính quốc gia, trung tâm lớn về văn hóa, khoa học, giáo dục, kinh tế và giao dịch quốc tế của cả nước, được bạn bè thế giới ngợi ca và được UNESCO vinh danh là “Thành phố vì hòa bình”; 3 lần được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Sao Vàng, tặng danh hiệu “Thủ đô Anh hùng”. Nội dung bài viết dưới đây sẽ giúp độc giả hiểu rõ hơn về ý nghĩa, giá trị to lớn của 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 – 10/10/2024).

I. BỐI CẢNH LỊCH SỬ

Sau chín năm kháng chiến trường kỳ, gian khổ, với ý chí không gì lay chuyển được và tinh thần chiến đấu ngoan cường, thông minh, gan dạ, đầy sáng tạo của quân và dân ta, đặc biệt với thắng lợi của chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954 , thực dân Pháp buộc phải ký Hiệp định Giơnevơ ngày 21/7/1954 về đình chỉ chiến sự ở Việt Nam, công nhận độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của ba nước Việt Nam, Lào, Campuchia; chấp nhận rút quân khỏi miền Bắc nước ta.

Theo các điều khoản của Hiệp định, Hà Nội nằm trong khu vực tập kết 80 ngày của quân đội Pháp. Tuy nhiên, thực dân Pháp lợi dụng thời gian này để phá hoại các cơ sở kinh tế, văn hóa, lôi kéo người di cư vào Nam, gây rối loạn và làm cho mọi công việc bị đình trệ. Biết trước âm mưu của Pháp, ý thức rõ quy mô và tầm quan trọng của việc tiếp quản Hà Nội, Bộ Chính trị và Ban Bí thư Trung ương Đảng đã cử các đồng chí: Võ Nguyên Giáp, Lê Văn Lương, Xuân Thủy, Tố Hữu trực tiếp lãnh đạo và chỉ đạo công tác tiếp quản Thủ đô. Ngày 17/9/1954, theo quyết nghị của Chính phủ, Ủy ban Quân chính thành phố Hà Nội được thành lập để làm nhiệm vụ tiếp quản thành phố. Hội đồng Chính phủ đã công bố các chính sách đối với thành thị mới giải phóng, chính sách đối với tôn giáo, các điều kỷ luật của bộ đội, cán bộ và nhân viên công tác khi vào thành phố mới giải phóng; Bộ Tổng Tư lệnh đã ra lệnh cho các đơn vị bộ đội đang tiến về giải phóng Hà Nội phải giữ vững trật tự an ninh của thành phố, bảo vệ Nhân dân, bảo vệ ngoại kiều, triệt để chấp hành các chính sách và kỷ luật mà Chính phủ đã đề ra, luôn nâng cao cảnh giác, sẵn sàng đập tan mọi âm mưu khiêu khích, phá hoại.

Sáng 10/10/1954, các cánh quân của Quân đội nhân dân Việt Nam từ các cửa ô tiến vào tiếp quản Thủ đô được giải phóng trong rừng cờ hoa đón chào của 20 vạn người dân Hà Nội. (Ảnh: Tư liệu)

Sau quá trình đấu tranh trên mặt trận ngoại giao yêu cầu thực dân Pháp rút khỏi Hà Nội đúng thời hạn, bảo đảm nguyên tắc chuyển giao trong trật tự, an toàn, không được phá hoại và không làm gián đoạn các hoạt động của đời sống Nhân dân; ngày 30/9/1954, hai bên đã ký Hiệp định chuyển giao Hà Nội về quân sự; ngày 2/10, ký tiếp Hiệp định chuyển giao Hà Nội về hành chính. Chính phủ ta đã phái các đội công an, trật tự, cảnh vệ, hành chính vào Hà Nội để chuẩn bị việc tiếp quản Thành phố.

Theo các văn bản đã được ký kết, từ ngày 2 đến ngày 5/10/1954, các đội hành chính, trật tự của ta vào thành phố trước, chuẩn bị cho việc tiếp quản các cơ quan, công sở, các công trình công cộng.

Ngày 6/10/1954, quân Pháp rút khỏi quận lỵ Văn Điển. Đây là quận lỵ đầu tiên ở ngoại thành được giải phóng. Cùng ngày, chúng rút khỏi thị xã Hà Đông và ở phía Bắc về Dốc Lã, cách Yên Viên 3km.

Theo kế hoạch đã định, sáng 8/10/1954, các đơn vị quân đội của ta tham gia tiếp quản Thủ đô, theo nhiều đường tiến về Hà Nội. Chiều 8/10, một số đơn vị tiến sát vành đai Đê La Thành, Nhật Tân, Cầu Giấy, Ngã Tư Sở, Bạch Mai và Vĩnh Tuy, trong khi đó, quân Pháp rút khỏi Yên Viên.

Sáng 9/10/1954, ta tiếp quản 4 quận Quảng Bá, Cầu Giấy, Ngã Tư Sở và Quỳnh Lôi. Quân đội ta theo nhiều đường, từ ngoại thành tiến vào tiếp quản Hà Nội, chia làm nhiều cánh quân tiến vào năm cửa ô chính rồi tỏa ra các khu. Lần lượt, bộ đội ta tiếp quản nhà ga Hà Nội, phủ Toàn quyền cũ, khu Đồn Thủy, khu Bờ Hồ, Bắc Bộ phủ. 16 giờ, quân đội Pháp rời khỏi thành phố Hà Nội, lặng lẽ rút sang phía Bắc cầu Long Biên. 16h30, quân đội ta hoàn toàn kiểm soát Hà Nội, tiếp quản thành phố an toàn và trật tự.

II. DIỄN BIẾN SỰ KIỆN NGÀY 10/10/1954

Sáng ngày 10/10/1954, Ủy ban Quân chính Thành phố và các đơn vị quân đội gồm có bộ binh, pháo binh, cao xạ, cơ giới… chia làm nhiều cánh lớn đã mở cuộc hành quân lịch sử tiến vào Hà Nội.

Đúng 8 giờ sáng, cánh quân phía Tây gồm những chiến sỹ bộ binh của Trung đoàn Thủ đô, mang trên ngực huy hiệu “Chiến sỹ Điện Biên Phủ”, xuất phát từ Quần Ngựa (nay là Cung Thể thao Hà Nội, phố Quần Ngựa) đi qua các phố: Kim Mã, Nguyễn Thái Học, Hàng Đẫy, Cửa Nam, Hàng Bông, Hàng Đào, Hàng Ngang... đến 9 giờ 45 phút tiến vào Cửa Đông.

Khoảng 8 giờ 45 phút, cánh quân phía Nam thuộc hai Trung đoàn 88 và 36 xuất phát từ Việt Nam Học xá (nay thuộc Đại học Bách khoa) đi qua Bạch Mai, phố Huế, vòng quanh Hồ Gươm, đóng ở khu vực Đồn Thủy (nay là Bệnh viện Quân y 108) và khu Đấu Xảo (nay là Cung Văn hóa Hữu nghị). Riêng Đoàn Chỉ huy tiếp quản, gồm cơ giới, pháo binh, do Chủ tịch Ủy ban Quân chính Vương Thừa Vũ và Phó Chủ tịch Trần Duy Hưng dẫn đầu, lúc 9 giờ 30 phút từ sân bay Bạch Mai đến Ngã Tư Vọng sang Ngã tư Trung Hiền rồi theo đường Bạch Mai lên phố Huế, Hàng Bài, Đồng Xuân, vào Cửa Bắc.

Vào lúc 15 giờ, sau một hồi còi dài tại Nhà Hát Lớn, hàng trăm nghìn người dân Hà Nội và các lực lượng vũ trang đã chỉnh tề tham dự lễ chào cờ do Ủy ban Quân chính tổ chức tại Sân vận động Cột Cờ.

Sau lễ chào cờ, Chủ tịch Ủy ban Quân chính Vương Thừa Vũ trân trọng đọc Lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi đồng bào Thủ đô nhân Ngày Giải phóng. Trong Lời kêu gọi, Bác viết: “Tám năm qua, Chính phủ phải xa rời Thủ đô để kháng chiến cứu nước. Tuy xa nhau, nhưng lòng Chính phủ luôn luôn gần cạnh đồng bào. Ngày nay do Nhân dân ta đoàn kết nhất trí, quân đội ta chiến đấu anh dũng, hòa bình đã thắng lợi, Chính phủ lại trở về Thủ đô với đồng bào. Muôn dặm một nhà, lòng vui mừng khôn xiết kể!” và căn dặn: “Chính phủ có quyết tâm, toàn thể đồng bào Hà Nội đồng tâm nhất trí góp sức với Chính phủ, thì chúng ta nhất định vượt được mọi khó khăn và đạt được mục đích chung: Làm cho Hà Nội thành một Thủ đô yên ổn, tươi vui và phồn thịnh”.

Công cuộc tiếp quản Thủ đô thành công tốt đẹp. Ta đã tiếp thu an toàn và nhanh gọn 129 công sở, công trình công cộng, xí nghiệp, bệnh viện, trường học, trong đó có các vị trí quân sự và các cơ quan đầu não quan trọng như Thành Hà Nội, Đồn Thủy, sân bay Bạch Mai, sân bay Gia Lâm, Phủ Toàn quyền, Phủ Thủ hiến Bắc Việt, sở Mật thám liên bang. Sinh hoạt của Nhân dân vẫn giữ được bình thường, ổn định. Các ngành điện, nước, giao thông liên lạc hoạt động đều, thông suốt, an ninh chính trị, trật tự xã hội được bảo đảm tốt; trường học, bệnh viện, các cơ quan văn hóa, báo chí… tiếp tục hoạt động bình thường dưới sự quản lý của chính quyền.

Ngày giải phóng Thủ đô là sự kiện đánh dấu bước ngoặt quan trọng, khẳng định thắng lợi hoàn toàn của quân và dân ta trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, đồng thời mở ra một thời kỳ mới trong lịch sử ngàn năm văn hiến của Thăng Long - Đông Đô - Hà Nội.

III. HÀ NỘI PHÁT HUY TRUYỀN THỐNG LỊCH SỬ, XỨNG DANH THỦ ĐÔ ANH HÙNG, NGÀN NĂM VĂN HIẾN

Ngay sau khi tiếp quản Thủ đô, Đảng bộ và chính quyền Hà Nội đã lãnh đạo Nhân dân khẩn trương khôi phục những cơ sở bị chiến tranh tàn phá, ổn định tình hình, từng bước vượt qua khó khăn, tổ chức lại sản xuất, bảo đảm đời sống Nhân dân, xây dựng cơ sở vật chất ban đầu của chủ nghĩa xã hội.

Trong 10 năm (1954-1964), ở vùng ngoại thành Hà Nội, nông dân được chia ruộng đất, phấn khởi phát triển sản xuất và tham gia vào các tổ đổi công và hợp tác xã. Công thương nghiệp tư bản tư doanh được cải tạo một cách hòa bình bằng hình thức công tư hợp doanh. Các khu công nghiệp mới ra đời, hàng loạt nhà máy, xí nghiệp mới mọc lên. Nhiều công trình thủy lợi, nông trường, trại chăn nuôi được xây dựng. Mạng lưới giao thông được mở mang phát triển. Nhiều trường đại học lớn ra đời. Một số bệnh viện cũ được cải tạo, nâng cấp và xây dựng nhiều bệnh viện mới. Đến năm 1965, Hà Nội đã trở thành một trung tâm công nghiệp lớn của miền Bắc. Sự nghiệp văn hóa, giáo dục phát triển vượt bậc. Đời sống Nhân dân được cải thiện.

Đi đôi với việc xây dựng kinh tế, phát triển văn hóa, xã hội, Nhân dân Hà Nội đẩy mạnh đấu tranh và không ngừng chi viện cho miền Nam chống đế quốc Mỹ xâm lược. Phong trào “Ngày thứ Bảy đẩy mạnh đấu tranh thống nhất Tổ quốc” do Nhà máy xe lửa Gia Lâm khởi xướng; phong trào “Mỗi người làm việc bằng hai vì miền Nam ruột thịt, vì Huế - Sài Gòn kết nghĩa” được các tầng lớp Nhân dân Thủ đô nhiệt tình hưởng ứng. Khi đế quốc Mỹ gây ra sự kiện Vịnh Bắc Bộ, mở rộng chiến tranh ra miền Bắc, cả Hà Nội càng sục sôi khí thế chống Mỹ, cứu nước. Thanh niên Thủ đô đã dấy lên phong trào “Ba sẵn sàng”; phụ nữ Thủ đô dấy lên phong trào “Ba đảm đang” và đã nhanh chóng lan rộng, trở thành phong trào chung của cả nước.

Ngày 29/6/1966, không quân của đế quốc Mỹ ném bom kho xăng Đức Giang, bắt đầu giai đoạn đánh phá trực tiếp vào Thủ đô Hà Nội. Với tinh thần “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”, quân dân Hà Nội không sợ hy sinh đã chiến đấu anh dũng, sáng tạo, làm tốt công tác phòng không sơ tán, giữ gìn trật tự trị an, duy trì đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội, tiếp tục chi viện sức người, sức của cho tiền tuyến lớn miền Nam. Đặc biệt, 12 ngày đêm cuối tháng 12/1972, Mỹ dùng máy bay B52 ném bom rải thảm Hà Nội và nhiều tỉnh, thành phố khác. Hà Nội cùng với các quân, binh chủng, các tỉnh, thành phố bình tĩnh, tự tin, tổ chức lực lượng chiến đấu, đánh thắng hoàn toàn cuộc tập kích chiến lược bằng không quân của đế quốc Mỹ, lập nên kỳ tích “Điện Biên Phủ trên không”, góp phần tạo ra bước ngoặt lịch sử, làm thay đổi căn bản cục diện của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, buộc Chính phủ Mỹ phải ký Hiệp định Paris, chấm dứt chiến tranh, lập lại hoà bình ở Việt Nam, tiến tới giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Bước vào thời kỳ đổi mới từ năm 1986 đến nay, mặc dù gặp nhiều khó khăn, thách thức, tuy nhiên, kế thừa truyền thống cách mạng anh hùng, bám sát sự chỉ đạo của Trung ương, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Thủ đô đã chủ động triển khai đồng bộ nhiều chương trình, kế hoạch để thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội, đời sống vật chất, tinh thần của người dân ngày một nâng cao.

Hiện nay, trong bối cảnh cả nước gặp khó khăn, tốc độ tăng trưởng kinh tế của nhiều địa phương giảm, Hà Nội vẫn bền bỉ tăng trưởng, mức tăng GRDP 6,27% (năm 2023), cao hơn so với mức tăng trưởng chung của cả nước (5,05%). Thu nhập của người dân tiếp tục được cải thiện, bình quân 150 triệu đồng/người/năm. Hai năm gần đây, Hà Nội đứng đầu cả nước về thu nội địa. Năm 2022, tổng thu ngân sách trên địa bàn thành phố lần đầu tiên vượt mức 300.000 tỉ đồng (đạt 332.089 tỉ đồng), trong đó thu nội địa cũng lần đầu tiên đạt 302.917 tỉ đồng, cao nhất cả nước. Năm 2023, tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn thành phố đạt hơn 410.000 tỉ đồng, trong đó thu nội địa tiếp tục dẫn đầu cả nước với trên 381.000 tỉ đồng. Đến hết năm 2023, thành phố có 18/18 huyện đạt chuẩn nông thôn mới với 382/382 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 183 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và 68 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu, an sinh xã hội đảm bảo, quốc phòng, an ninh trên địa bàn được giữ vững, năng suất lao động ngày càng tăng, đạt bình quân trên 7%/năm.

Văn hóa, thể thao, du lịch, giáo dục, y tế và tôn tạo di tích được chú trọng đầu tư và phát triển. Năm 2023 khách du lịch quốc tế đến Hà Nội tăng 3,5 lần so với cùng kỳ năm 2022; khách du lịch trong nước tăng 19,1%. An sinh xã hội được đảm bảo, nhất là công tác xóa đói, giảm nghèo, giải quyết việc làm, chăm sóc các đối tượng chính sách xã hội. Tính đến hết năm 2023, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn thành phố giảm còn 0,03%; tỷ lệ hộ cận nghèo 0,7%. Tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế đạt 93,5%. Bên cạnh đó, thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, an ninh có nhiều đổi mới, sáng tạo, sát với tình hình thực tiễn. Công tác đối ngoại của thành phố đã có những bước chuyển mình tích cực. Đến nay, Hà Nội đã ký thỏa thuận hợp tác với 61 Thủ đô, thành phố các nước; có quan hệ kinh tế thương mại với gần 200 quốc gia và vùng lãnh thổ…

Công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch và phát triển đô thị có nhiều tiến bộ, thúc đẩy sự phát triển các lĩnh vực của đời sống xã hội. Từ một đô thị có quy mô dân số khoảng 43,7 vạn người những ngày đầu giải phóng, đến nay, Hà Nội có quy mô dân số hơn 8 triệu người và không ngừng phát triển. Hà Nội cũng là một trong số ít những Thủ đô trên thế giới có lịch sử, truyền thống văn hóa hơn ngàn năm tuổi và được biết đến là "Thành phố di sản", là nơi hội tụ và lan tỏa văn hóa, văn minh, nơi có bề dày trầm tích văn hóa với số lượng di sản lớn nhất cả nước với hệ thống danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử phong phú, các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể đặc sắc với 5.922 di tích được kiểm kê; 1.350 làng nghề, gần 1.700 lễ hội dân gian, 1.793 di sản văn hóa phi vật thể.

Với những cố gắng, nỗ lực trong suốt 70 năm qua của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Thủ đô, Hà Nội xứng đáng là trung tâm chính trị - hành chính quốc gia, trung tâm lớn về văn hóa, khoa học, giáo dục, kinh tế và giao dịch quốc tế của cả nước, được bạn bè thế giới ngợi ca và được UNESCO vinh danh là “Thành phố vì hòa bình”; 3 lần được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Sao Vàng, tặng danh hiệu “Thủ đô Anh hùng”.

Trong bối cảnh mới, tiếp tục đẩy mạnh công nghiện hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế sâu rộng với nhiều thách thức đặt ra từ cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, Hà Nội cần tiếp tục tập trung phát triển kinh tế - xã hội, huy động và phát huy các nguồn lực, động lực phát triển mới, nhất là nguồn lực con người, nguồn lực văn hóa; quan tâm hơn nữa đến nhiệm vụ phát triển văn hóa, xã hội, hài hòa và ngang tầm với phát triển kinh tế; tiếp tục củng cố, tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh, đối ngoại; giữ vững ổn định chính trị, trật tự, an toàn xã hội; nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế; làm tốt hơn nữa công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị thực sự trong sạch, vững mạnh...; phấn đấu đến năm 2030, Hà Nội là thành phố “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”, nơi hội tụ tinh hoa văn hóa của cả nước và thế giới; trung tâm đi đầu trong nghiên cứu, sáng tạo, ứng dụng và chuyển giao khoa học - công nghệ mới; trung tâm, động lực thúc đẩy phát triển vùng đồng bằng sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm của Bắc Bộ và cả nước; trung tâm kinh tế tài chính lớn, cực tăng trưởng có vai trò dẫn dắt kinh tế của đất nước, có tầm ảnh hưởng trong khu vực, dựa trên mô hình phát triển xanh và kinh tế tuần hoàn, kinh tế số và kinh tế chia sẻ; thực sự là trung tâm lớn, tiêu biểu, hàng đầu cả nước về giáo dục, đào tạo chất lượng cao, ngang tầm khu vực và quốc tế.

Kỷ niệm 70 năm Ngày giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2024) là dịp chúng ta nhìn lại một chặng đường lịch sử vẻ vang, bước trưởng thành và phát triển để thêm tự hào và trách nhiệm với Hà Nội; chung tay, góp sức đưa Thủ đô vượt qua mọi khó khăn, thách thức, thực hiện thành công Nghị quyết số 15 - NQ/TW ngày 05/5/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; cùng đất nước vững bước trên con đường đổi mới, hội nhập và phát triển, tiếp tục lập được những thành tựu mới, xứng đáng hơn nữa với niềm tin của Đảng, Nhà nước và đồng bào cả nước dành cho Thủ đô, để Thăng Long - Đông Đô - Hà Nội xứng đáng là Thủ đô Anh hùng của dân tộc Việt Nam Anh hùng.